Thật thì Đạt không muốn đi trong chuyến nầy. Vừa tốt nghiệp, ra trường đại học, nhưng tạm thời thì vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp, lòng Đạt cũng không an vui chi cho lắm. Hằng ngày nghe má nói nhớ ngoại mà nóng lòng muốn về thăm, còn trong dạ của ba thì cũng nôn về viếng mộ ông bà. Ba má đều đã lớn tuổi, khả năng ngoại ngữ lại giới hạn; những chuyến bay xa xuyên đại dương như thế nầy, đôi khi hành khách phải tạm dừng lại ở một phi trường quốc tế nào khác để chờ chuyến bay chuyển tiếp. Trong nhà mọi người rất ngại để ba má đi về bên đó một mình; anh Thành và chị Nga thì bận rộn với việc làm của họ mỗi ngày, cho nên nhìn quanh quẩn cũng chỉ có Đạt tương đối là rảnh rang hơn ai hết.
Bây giờ thì ba má đã bình an đến được nơi đây hơn một tuần. Cả hai người họ đều rất vui mừng, nhưng mà dường như thời tiết chốn nầy lại quá khắc nghiệt đối với Đạt. Tuy chỉ mới có tháng hai nhưng mà không khí thì đã oi bức nhiều. Đạt lúc nào cũng cảm thấy khó chịu vì mồ hôi cứ ướt đẩm ra cả người. May thay đây lại là nhà của ngoại nằm ở vùng quê, cách thành phố cũng khá xa; chứ nếu còn ở lại nhà cũ của nội ngoài đó, thì chắc là Đạt phải chịu đựng cái nóng và ẩm với một mức độ khổ sở khác hơn. Ngồi trên cái ghế đẩu nhỏ trước thềm nhà, tay cầm cái quạt mo của ngoại mà quơ mãi trước ngực để tìm chút gió. Đạt đưa mắt nhìn ra bãi đất trống phía trước, nơi đó ngày xưa hãy còn có cây vú sữa với nhiều nhánh đầy lá xoè rộng ra che kín cả sân. Đạt còn nhớ, dưới gốc cây nơi đó còn có một bộ bàn, vốn là chỗ ông ngoại trước đây thường ngồi nhâm nhi ly nước trà chuyện trò cùng với ba những lúc cả nhà của Đạt đang về thăm. Sau khi ông ngoại qua đời thì cây vú sữa vẫn còn nằm đó; nhưng mà lần trước đây, khi cả nhà trở về thăm bà cách nay đã bốn năm, cây vú sữa đã bị người ta đốn bỏ vì nó nằm trên tuyến đường mà chính quyền đang dự định phát triển. Bây giờ con đường mới với cái tên gì đó vẫn chưa thấy xuất hiện, mà cây vú sữa của ngoại thì đã biến mất từ lâu rồi.
Đạt hình dung hình ảnh cây vú sữa của ngày nào mà nay chỉ còn mang máng trong đầu; hình như là hàng năm cứ vào khoảng tháng ba hay tháng tư gì đó, được má nhắc nhớ là cả bọn, Đạt Gòm cùng với Cường Oắn và Cung Đen là ba đứa bạn học chung một lớp, ở cùng chung một xóm, đón chuyến xe lamb ba bánh chở về trạm gần nhà ngoại, rồi cả đám ngồi đó chờ để theo ghe dì Hai của Đạt, xong buổi chợ sáng mới chèo về. Đám trẻ nầy hồi đó rất hăng trèo thang hái trái. Những trái vú sữa chín màu hột gà tươi bóng nằm ẩn hiện bên cạnh những chiếc lá hai màu, san sát treo lũng lẳng bên nhau đầy cành. Cung Đen lanh lẹn nhất trong bọn, leo lên, trèo xuống cây thang không ngừng mà cũng không biết mệt. Cung cũng tỏ ra rất thích thú với những cuộc đi chơi như thế nầy, nên có lần đã nói với Đạt:
-“Tao ước gì ngoại mầy có nguyên một cái vườn luôn, để tụi mình tha hồ hái đã tay cho dì Hai mang ra chợ bán.”
Đạt cảm thấy rất buồn khi chợt nhớ lại người bạn rất hiền, rất mộc mạc và thành thật. Lần đi về thăm quê hương không dự tính trước nầy, Đạt chưa bước được bước chân nào tìm về xóm cũ, thì tin người bạn qua đời cũng đã nhanh chóng đến bên tai. Chuyến đi trước đây, Đạt vẫn còn gặp mặt cả Cung lẫn Cường; cũng vẫn với cái tính tình vui vẻ đầy hăng hái như ngày nào, Cung khoe với Đạt rằng đã tìm được việc làm cho một cơ sở sản xuất nào đó cũng gần nhà. Thế mà nay thì Cung Đen đã qua đời, một tuần, trước khi Đạt Gòm nầy về đến. Nghe những người hàng xóm chung quanh kể lại:
-“Tội nghiệp cho thằng nhỏ, hiền và dễ thương như thế mà phải chết sớm với cái bệnh sida vì nghiện thuốc… Đã nghèo mà lại mất cha, cho nên nó phải cố tìm được việc làm để hai má con của nó cũng được vui sống qua ngày. Đêm đó, má của nó hãy còn chờ nó đi nhậu với đám bạn trong công ty chưa về, tình cờ mở cửa ra thì thấy thằng Ba Búa, con của ông Hai Sắc đang chích cái gì đó vô tay của nó. Thấy có người đi ra, thằng Ba Búa kia bỏ chạy để lại thằng nầy nằm say quắc cần câu trước cửa. Má của thằng Cung sau đó có đi báo với công an phường, nhưng họ nói là không có bằng chứng cụ thể nên không thể xét xử. Vậy mà chẳng lâu sau đó, thằng nhỏ mắc bệnh nặng phải vào trại cai nghiện nhưng rồi cũng không khỏi… Mà cái thứ khốn nạn kia, trời cũng đâu có tha cho tụi nó đâu. Thằng cha thì bị nhà nước sa thải, cách chức; còn thằng con thì cũng chết bờ, chết bụi ở đầu đường, xó chợ như…”
Đạt bàng hoàng trong lòng nhiều lắm. Bây giờ, Đạt chỉ có Cường là người bạn còn lại ở nơi đây. Lúc nầy Cường đang làm việc cho một công ty xuất khẩu hàng nội địa bán ra nước ngoài, nghe tin Đạt về thì cũng ghé lại thăm vào một buổi trưa thứ sáu. Đạt ngạc nhiên nhìn bạn hỏi:
-“Bộ hôm nay không phải đi làm nên rảnh rỗi tới thăm tao? Mà… có phải mầy mới đi nhậu về… đúng không?”
Không đính chính cũng chẳng ngượng ngập, Cường trả lời:
-“Ở đây đi làm là phải như vậy đó mầy ơi! Ngày nào phải đi ký giao kèo, hay làm hợp đồng gì với ai thì cũng phải nhậu. Ngày nào có tin vui thì xếp dẫn cả đám đi nhậu. Ngày nào xếp buồn thì cả bọn mời xếp nhậu lại. Nam nhân viên, hay nữ thư ký nào trong chỗ tao làm thì đứa nào cũng phải biết nhậu. Mầy có nhìn thấy mấy bà, mấy cô ở đây bây gìờ ai cũng biết cụng ly mà “Dzô” với mọi người trên bàn tiệc chưa?
-“Tao…tao có thấy…nhưng chỉ thấy trong mấy bộ phim xã hội được sản xuất ở đây. Nhưng mà mầy cũng biết là thằng Cung bị hại chết vì nhậu say rồi đó.”
-“Cũng tại phần số ngắn ngủi của nó! Mà nói thiệt thì cũng tại vì nghèo nên mới bị chết với cái bệnh không thuốc chữa. Chớ còn mấy thằng con nhà giàu, ba má có tiền thì tụi nó đâu cần phải chia xẻ kim chích với ai đâu. Mà…sẵn đây tao cũng nói cho mầy biết luôn, không phải chỉ có một mình thằng Cung của bọn mình thôi đâu, chung quanh đám bạn học chung với anh Thành của mầy, và đám bạn của tụi mình, tao biết có đến mười bảy thằng đã chết vì tai nạn xe, hay là đã và đang nằm chờ chết với cái bệnh nầy rồi đó.”
Con số người qua đời mà Cường vừa nói đến, khi đó nghe qua tai cũng không đến nỗi khiến Đạt phải ngẩn cả người so với con số tuổi đời của họ, Đạt rùng mình. Thời gian xa cách chỉ hơn mười năm mà nơi đây bây giờ lại có quá nhiều thay đổi. Nhìn khoảng đất trống phía trước, Đạt tưởng tượng đến một vườn cây ăn trái ngày nào mà Cung Đen đã từng mơ ước, mười bảy cây vú sữa hôm qua còn xanh tươi tốt mà hôm nay thì lại đang chết lần mòn vì bệnh. Đạt nhớ lại lời thăm hỏi thật chân tình của người bạn trước lúc chia tay:
-“Đạt à! Mầy ở bên đó chưa có việc làm. Hay là mầy đi về đây tao kiếm cho…?”
-“Ồ! Không được đâu. Nghe mầy kể đến chuyện nhậu nhẹt ở đây như vậy thì chắc là tao… cũng chết sớm luôn đó!”
-“Tụi mầy ra nước ngoài rồi thì đứa nào cũng nhát như thỏ đế. Nhưng mà…nghe mầy nói thì cũng đúng đó. Còn trẻ mà biết nghĩ đến sức khỏe và tương lai như vậy thì tốt quá rồi.”
Cường đốt thêm điếu thuốc, ngồi trầm lặng trên xe nhìn về khoảng trống không gian phía trước, nhả khói rồi nổ máy ra đi.
Ngồi buồn một mình nhớ bạn với kỷ niệm của những lần về quê ngoại hái trái, hình như là Đạt đã quên đi cái nóng nực và oi bức ban nãy. Chợt nhớ lại lần cuối từ nhà ngoại trở về, mang theo một số trái vú sữa ngon để bà nội mang ra bàn thờ cúng Phật, Đạt đã vô tình tâm sự với nội:
-“Phải chi nhà mình có được một miếng đất ở đây, nội trồng thêm một cây vú sữa che mát cho cả nhà, rồi mình còn có trái để ăn nữa thì sướng biết mấy hả nội!”
Bà nội nhìn Đạt mỉm cười rồi nói:
-“Ừa! Chừng nào gia đình của ba con đi qua đó, nội sẽ cho tụi con mỗi đứa một hột giống tốt để mang theo qua bên đó trồng. Khi nào cây vú sữa của đứa nào có trái chín ngon, thì nhớ gởi về đây cho nội cúng tạ ơn Trời, Phật.”
Đạt nhất định cãi lại với nội:
-“Nhưng mà ba con nói cây vú sữa không thể sống được ở bên đó.”
Nội vẫn điềm đạm với nụ cười chưa tắt:
-“Chừng nào qua tới bên đó, con nhớ hỏi thăm cô và chú của con thì sẽ biết.”
Cái nóng hừng hực bên ngoài không còn làm cho Đạt khó chịu. Như người vừa choàng tỉnh sau cơn mê, Đạt nôn nao trong lòng trông đợi ngày về.
Viết tại California, tháng 03-2012
TL12